16 thg 6, 2012
Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Chiều nay 13/6, Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do ông Chănxỉ Phôxỉkhăm, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào sang thăm và làm việc tại Việt Nam; chúc mừng những thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em đã đạt được trong công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước.
|
Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đoàn kết, đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực trên tất cả các lĩnh vực; khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng với Lào mãi mãi giữ gìn và không ngừng vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư đánh giá cao kết quả chuyến thăm, làm việc của Đoàn tại Việt Nam cũng như kết quả hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao hai Ban Tổ chức Trung ương của hai Đảng và kết quả hợp tác giữa hai Ban Tổ chức trong thời gian qua và mong rằng hai Ban Tổ chức Trung ương của hai Đảng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng, công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động của “Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam” góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone và các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Chănxỉ Phôxỉkhăm bày tỏ vui mừng được sang thăm Việt Nam; chân thành cảm ơn Tổng Bí thư đã tiếp và dành cho Đoàn những tình cảm tốt đẹp; trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông chúc mừng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nhân dân Việt Nam anh em đã giành được trong công cuộc đổi mới; tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Lào sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn từ trước tới nay.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Chănxỉ Phôxỉkhăm đã thông báo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số nét khái quát về tình hình Lào gần đây; về kết quả hợp tác giữa hai Ban Tổ chức Trung ương hai Đảng cũng như kết quả chuyến thăm, hội đàm lần này.
Ông khẳng định Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai Ban, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng.
Cùng ngày, Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa dẫn đẫu đã có cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do ông Chănxỉ Phôxỉkhăm dẫn đầu.
Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi đảng, mỗi nước trong thời gian gần đây; trao đổi các nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ và việc triển khai chương trình hợp tác giữa hai Ban Tổ chức giai đoạn 2011-2015./.
Theo (VNA)
16 thg 6, 2012 0
Ông Lê Thanh Hải dự lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ
Tại TPHCM, sáng 12-6, Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định: “Khi cách mạng miền Nam còn trong những ngày đầy thử thách sau Hiệp định Genève năm 1954, Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ là một tập thể trung thành, kiên cường, dũng cảm, mưu trí, chiến đấu giữa TP Sài Gòn là đầu não của quân thù.
|
Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ hình thành và hoạt động từ năm 1956- 1957 tại số 29 Huỳnh Khương Ninh, quận 1 – TPHCM. Trong thời gian hoạt động, văn phòng đã trở thành trung tâm liên lạc hai chiều từ Thường vụ Xứ ủy đến các liên Tỉnh ủy, các ban chuyên môn của xứ ủy, giữ được mạch máu lưu thông trong cơ thể Đảng, giúp Đảng nắm tình hình để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trên toàn Nam Bộ.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh – Ủy viên Bộ Chính trị đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên do Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong In dẫn đầu thăm và làm việc tại Việt Nam vào hôm nay ngày 13/6.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đánh giá cao việc Đảng và nhân dân Triều Tiên đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Chủ tịch Kim Nhật Thành, 70 năm sinh nhật của đồng chí Kim Jong-Il và chúc mừng thành công của Hội nghị Đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Triều Tiên vừa qua.
|
Thường trực Ban Bí thư tin tưởng rằng quan hệ hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại hai Đảng sẽ có những bước tiến mới, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhờ ông Kim Yong In chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un và các vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước Triều Tiên.
Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong In trân trọng nhờ Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh chuyển lời thăm hỏi thân thiết của Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam.
Ông Kim Yong In cũng bày tỏ vui mừng được thăm lại Việt Nam, chúc mừng những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; chúc nhân dân Việt Nam sẽ giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa; đánh giá cao mục đích, ý nghĩa và kết quả thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động và được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng.
Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong In bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Triều Tiên tiếp tục được củng cố và phát triển trong thời gian qua. Ông khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Triều Tiên là tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Trước đó, ngày 11/6, Đoàn đại biểu Đảng do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân dẫn đầu đã hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên do Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong In dẫn đầu.
Trong bầu không khí hữu nghị, chân thành và tin cậy lẫn nhau, hai bên đã thông báo cho nhau tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước, trao đổi ý kiến các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Ông Kim Yong In đánh giá cao chính sách đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và bày tỏ khâm phục trước những thành tựu mà Đảng và nhân dân Việt Nam đã giành được trong những năm qua.
Về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân bày tỏ ủng hộ nguyện vọng chính đáng của nhân dân Triều Tiên là hòa bình thống nhất đất nước; ủng hộ một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, phát triển, phi hạt nhân hóa.
Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên đã thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại Hà Nội và thăm tỉnh Thái Bình.
Ông Kim Chang In, Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam đã tham gia các hoạt động của Đoàn.
Theo (VNA)
5 thg 6, 2012
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam luôn xem Mỹ là đối tác hàng đầu. Việt Nam mong muốn Mỹ với tư cách là một cường quốc ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp chiều 4/6, Bộ trưởng Leon Panetta nhấn mạnh, chính phủ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách châu Á – Thái Bình Dương. Ông mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh, quốc phòng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Leon Panetta |
Nhắc lại nội dung đã trao đổi với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào sáng cùng ngày, ông Panetta bày tỏ sự hài lòng về hợp tác quốc phòng hai nước thời gian qua. Bộ trưởng Panetta khẳng định với những nền tảng hiện có, Chính phủ Mỹ mong muốn hai bên sớm có thể nâng cao quan hệ lên một mức độ hợp tác cao hơn, vì lợi ích của hai nước.
Đánh giá cao những bước tiến tích cực trong quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam luôn xem Mỹ là đối tác hàng đầu. Việt Nam mong muốn Mỹ với tư cách là một cường quốc ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình xây dựng niềm tin và nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai nước. Để phục vụ mục tiêu này, Chính phủ Mỹ cần sớm bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đóng góp tích cực hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng với Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng nêu một lĩnh vực đặc biệt chú trọng như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo; ứng phó với các vấn đề toàn cầu và khu vực như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an toàn và an ninh biển; ứng phó với biến đổi khí hậu… vì lợi ích chính đáng và trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền.
Hoan nghênh những ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Panetta gửi lời cảm ơn Thủ tướng và các bộ, ngành Việt Nam đã tạo điều kiện để đoàn thực hiện chuyến thăm thành công tốt đẹp.
(Chinhphu.vn)
5 thg 6, 2012 0
Sáng 4-6, tại thành phố Vĩnh Long, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo TW; Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Trung tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; cùng các đồng chí là lãnh đạo các Bộ, ban ngành TW, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, đại diện gia đình cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long,…
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sâu bốn nội dung: Đồng chí Phạm Hùng – người cộng sản kiên cường, bất khuất; đồng chí Phạm Hùng – nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước; đồng chí Phạm Hùng – tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng; đồng chí Phạm Hùng – người con kiên trung của quê hương Vĩnh Long. Có 51 tham luận, trong đó 8 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Các đại biểu cũng được tham khảo trên 200 bài viết của các đồng chí lãnh đạo cao cấp, cách mạng lão thành được thể hiện trong các tuyển tập: “Phạm Hùng – Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo cộng sản có uy tín lớn” và “Phạm Hùng – người chiến sĩ dạ sắt gan đồng” do NXB Chính trị quốc gia vừa xuất bản.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: “Đồng chí Phạm Hùng là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Nhà lãnh đạo kiên trung của Đảng và Nhà nước, suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trình bày tham luận của mình tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Đồng chí Phạm Hùng – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch HĐBT nước CHXHCN Việt Nam – người con ưu tú của đất nước và quê hương Vĩnh Long, nhà lãnh đạo kiên trung, mẫu mực của Đảng và Nhà nước ta; người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của lực lượng CAND Việt Nam, suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định: “Một trong những quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong tư duy chỉ đạo chiến lược của đồng chí Phạm Hùng là xây dựng CAND trở thành một trong những lực lượng vũ trang (LLVT) trọng yếu của Đảng, Nhà nước, có trách nhiệm bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1946, đồng chí Phạm Hùng đã trực tiếp chỉ đạo việc củng cố và phát triển lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc (tiền thân của Công an Nam Bộ sau này) với quan điểm: Đảng phải trực tiếp lãnh đạo và xây dựng Quốc gia Tự vệ cuộc chẳng những phải trấn áp bọn tình báo, gián điệp, nội gián, mà còn phải xây dựng lực lượng (XDLL) cách mạng và phát triển Đảng. Quốc gia Tự vệ cuộc phải dựa vào dân, giúp đỡ nhân dân, phải biết làm công tác quần chúng, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân tham gia kháng chiến, trấn áp phản cách mạng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân… Tư duy nhạy bén của đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng LLVT cách mạng để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân theo đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta, đồng thời phù hợp với đặc điểm tình hình thành phố Sài Gòn và trên chiến trường Nam Bộ. Quan điểm Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện LLVT, trong đó có lực lượng CAND đã được đồng chí quán triệt rất sâu sắc trong các lớp học cấp tốc cho cán bộ chủ chốt do Xứ ủy Nam Bộ tổ chức…”.
“Từ tư duy đến tổ chức hành động, đồng chí đã xây dựng Quốc gia Tự vệ cuộc thành một LLVT tin cậy của Đảng, đủ sức đối phó với bọn tình báo, gián điệp, phản động của địch. Vào những lúc tình hình cách mạng gặp khó khăn, phức tạp, với nhận thức chính trị sâu sắc, đồng chí đã chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Công an. Những năm đầu 80 của thế kỷ XX, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội, các thế lực thù địch ráo riết tiến hành các hoạt động phá hoại nhiều mặt đối với nước ta, với cương vị là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Hùng xác định rõ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ ANCT, giữ vững TTATXH là nhiệm vụ bức thiết, và chỉ rõ đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, lực lượng CAND là nòng cốt. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an) đã kịp thời tham mưu với Đảng ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 2-12-1980, đặc biệt nhấn mạnh: “Bảo vệ an ninh chính trị và TTATXH là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta” và nêu rõ 7 nguyên tắc chỉ đạo, trong đó nguyên tắc hàng đầu là Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện công tác Công an. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Công an, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, trong kháng chiến hay khi đất nước hòa bình, thống nhất, đồng chí đặc biệt quan tâm tới xây dựng tổ chức Đảng trong CAND xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp ủy Công an các cấp; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp về nhiệm vụ bảo vệ ANTT và XDLL CAND”.
Theo đồng chí Trần Đại Quang, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng gắn liền với những bước ngoặt lịch sử oanh liệt của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Bảy mươi sáu tuổi đời, 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo, và nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách. Trong một phần ba cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo lực lượng CAND và có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ ANTT và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.
Một trong những quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong tư duy chỉ đạo chiến lược của đồng chí Phạm Hùng là xây dựng CAND trở thành một trong những LLVT trọng yếu của Đảng, Nhà nước, có trách nhiệm bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để lực lượng CAND hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đồng chí Phạm Hùng đặc biệt quan tâm XDLL CAND trong sạch, vững mạnh. Trong đó, chú trọng giáo dục, rèn luyện tư cách người CAND cách mạng theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND.
Thượng tướng Trần Đại Quang cho rằng, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với Cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long” là một hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh, khẳng định công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Hùng với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc, rút ra những bài học bổ ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Sáng cùng ngày, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đến thắp hương và trồng cây lưu niệm tại Khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng tại ấp Long Thuận, xã Long Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long)
Theo (CAND)
Đánh dấu chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển trong suốt 80 năm qua, sáng 24-5, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh- Ủy viên Bộ chính trị dự lễ kỷ niệm 80 năm thành lập tỉnh Gia Lai (24-5-1932 – 24-5-2012) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức.
Tham dự buổi lễ còn có Thượng tướng Trần Đại Quang-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; các vị lãnh đạo một số bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương cùng đại biểu mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng LLVT Nhân dân, Anh hùng Lao động; các bậc lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo tỉnh, cùng đại diện đồng bào-đồng chí, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng Thượng tướng Trần Đại Quang dự buổi lễ.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng Thượng tướng Trần Đại Quang dự buổi lễ. |
Tại buổi lễ, toàn thể đại biểu tham dự đã cùng ôn lại lịch sử hình thành, chiến đấu và phát triển của tỉnh Gia Lai: Sau khi thiết lập bộ máy cai trị trên địa bàn Bắc Tây Nguyên, đến ngày 24-5-1932, Toàn quyền Đông Dương đã quyết định thành lập tỉnh Pleiku. Ngày 20-9-1975, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Ngày 12-8-1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (khóa VIII) Gia Lai-Kon Tum tách thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Trong suốt chiều dài của cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, kiên cường, bất khuất trước quân thù; thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng kính yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thu giang sơn về một mối.
Sau ngày giải phóng, đất nước được thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đồng sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản động Fulro và các tổ chức, đảng phái phản động khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả và tạo tiền đề về kinh tế-xã hội của tỉnh cho bước phát triển tiếp theo.
Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ, ông Phạm Thế Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tóm tắt một số nét quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và thành quả đạt được của tỉnh nhà: Trong hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học, vận dụng sáng tạo đường lối, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, đến năm 2011 đạt 3.356 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát triển toàn diện nông-lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đã hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp và cây công nghiệp; xây dựng được hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện và các khu, cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng cao hàng năm; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.
Vui mừng với những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai phấn đấu xây dựng và phát triển vững mạnh như ngày hôm nay. Thay mặt Đảng, Nhà nước, ông Lê Hồng Anh- Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có lời chúc mừng, đồng thời đề nghị Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Huy động tối đa các nguồn lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp nông dân nông thôn; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chú trọng sản xuất nông nghiệp chất lượng hiệu quả; không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; kiên quyết loại trừ một số hoạt động tín ngưỡng có tính hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tà đạo đang tồn tại gây mất an ninh trật tự trong cộng đồng; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, khám chữa bệnh nhất là tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn… Đồng thời ông tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh sẽ nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thách thức, xây dựng Gia Lai thành tỉnh giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo trên, thay mặt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ông Hà Sơn Nhin- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu của ông Lê Hồng Anh đã đánh giá, đóng góp đối với tỉnh và hứa sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến chỉ đạo sâu sắc và sẽ cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả trong thời gian đến.
Ghi nhận những thành tích Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được qua 80 năm xây dựng và phát triển; nhân dịp này Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Trần Đại Quang- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã trao tặng Huân chương cao quý cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.
Theo (GLO)
Ngày 4/6, tại TP Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị đã chủ trì Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 53 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Đồng chí Lê Thanh Hải cùng đồng chí Lê Hồng Anh tại Hội nghị. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng cùng tham dự.
Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước cho thấy Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có bước phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các tỉnh, thành phố trong vùng đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vượt trội so với mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch nhanh, hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, (năm 2010, cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm là 8,1%; 51,5% và 40,4%).
Giai đoạn 2006 – 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt 11%/năm (bình quân cả nước đạt 7%/năm); tổng GDP năm 2010 của vùng gấp 2,93 lần so với năm 2000 (mục tiêu đặt ra gấp 2,5 lần); thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 48,6 triệu đồng (bình quân cả nước là 22,8 triệu đồng); thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 16,8%/năm (chiếm 64% tổng thu của cả nước); tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng bình quân 22,6%/năm; đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn dẫn đầu cả nước, tính đến tháng 6/2011 có 7.940 dự án còn hiệu lực với vốn đầu tư đăng ký gần 95 tỷ USD.
Trong 5 năm qua, các địa phương trong vùng tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như: Điện – điện tử; khai thác dầu khí, sản suất điện, phân bón, hóa chất, công nghiệp dược phẩm; công nghệ thông tin, phần mềm; cơ khí chế tạo; công nghiệp chế biến; may mặc… đã góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động trong và ngoài vùng. Bước đầu đã có sự chuyển dần sang các ngành công nghiệp có công nghệ và kỹ thuật cao, giá trị gia tăng lớn, tham gia tích cực vào mạng lưới sản suất của khu vực và thế giới.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được trú trọng phát triển và mở rộng, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng liên vùng và cả nước đã được đầu tư mới và nâng cấp như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương; TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành; Dầu Giây – Phan Thiết; quốc lộ 1; quốc lộ 50, quốc lộ 55; cảng Quốc tế Cái Mép; nhà ga T2 Tân Sơn Nhất…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh cho rằng Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được các tỉnh, thành trong vùng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, từng bước đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đồng chí Lê Hồng Anh, giai đoạn 2006 – 2010 là giai đoạn có nhiều khó khăn nhưng các tỉnh, thành phố trong vùng đã thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu nêu trong nghị quyết, kinh tế phát triển nhanh và đúng hướng. Đời sống văn hóa – xã hội được nâng cao. Chính trị, xã hội ổn định, anh ninh, quốc phòng được giữ vững.
Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các tỉnh, thành phố trong vùng cần tiếp tục quán triệt những quan điểm cơ bản và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục khẳng định vai trò vùng kinh tế động lực, chủ động khai thác tối đa những lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển. Tập trung hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng đến năm 2020; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách để thực hiện tốt Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị; tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với vùng.
Theo (VGP)