22 thg 11, 2011
Thực hiện Chương trình công tác toàn khóa và năm 2011, sáng 22/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã làm việc với Ban Tổ chức Trung ương.
Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và các cán bộ chủ chốt của Ban đã báo cáo, trao đổi về tình hình, kết quả công tác năm 2011, một số nhiệm vụ công tác trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng. Từ Đại hội XI của Đảng đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã tập trung đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan, chủ động, tích cực, quyết liệt trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo những chuyển biến tích cực và khí thế mới trong công tác xây dựng Đảng.
Ban Tổ chức Trung ương có chức năng tham mưu cho Trung ương về những chủ trương và các chính sách lớn về lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của hệ thống chính trị; đồng thời là cơ quan chuyên môn-nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương, góp phần bảo đảm cho Đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh về tổ chức.
Tổng Bí thư chỉ rõ xây dựng Đảng là xây dựng về tổ chức và con người, là nhiệm vụ then chốt đảm bảo thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Nói đến công tác tổ chức là nói đến nguyên tắc, hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, cơ chế, quy chế, phương thức, lề lối làm việc; quan hệ phối hợp giữa các bộ phận trong hệ thống và phối hợp trong ngành tổ chức. Nói đến cán bộ là nói đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đánh giá, lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ, chế độ chính sách đối với cán bộ. Đây là một công tác rất hệ trọng, phức tạp và nhạy cảm.
Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công việc của Ban Tổ chức Trung ương là then chốt của then chốt, Tổng Bí thư khẳng định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những kết quả công tác mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Tổ chức Trung ương đã đạt được, đóng góp quan trọng vào công tác tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng được giao.
Đặc biệt, từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã bám sát chương trình công tác và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan triển khai, hoàn thành khối lượng công việc được giao đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Nhất là việc tham gia kiện toàn tổ chức bộ máy sau Đại hội XI của Đảng; công tác chuẩn bị nhân sự phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời chuẩn bị nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau bầu cử; tham gia xây dựng các đề án, chương trình công tác của Trung ương về công tác cán bộ; quan tâm giải quyết các công việc còn lại của nhiệm kỳ trước; chăm lo xây dựng củng cố nội bộ, phối hợp với các cơ quan tốt hơn.
Tổng Bí thư đã nêu 3 câu hỏi để tập thể Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu.
Đó là, trong điều kiện Đảng cầm quyền, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch ra sức chống phá cách mạng, nhiều vấn đề đặt ra cho công tác tổ chức cán bộ. Trong tình hình đó, làm sao để giữ vững, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ – vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự trường tồn của Đảng và cách mạng Việt Nam? Làm thế nào để Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, ngặn chăn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tăng cường phòng chống tham nhũng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng? Làm thế nào để Đảng thực sự là một khối thống nhất về ý chí, hành động và tư tưởng.
Tổng Bí thư đề nghị Ban Tổ chức Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ; thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng định hướng đào tạo, bồi dưỡng bố trí, luân chuyển cán bộ; tích cực chuẩn bị quy hoạch cán bộ; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, đổi mới quy trình làm công tác cán bộ, khắc phục tính hình thức và những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức cán bộ, tình trạng chạy chức chạy quyền, lợi dụng mối quan hệ thân quen, lợi ích nhóm….
Tổng Bí thư yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương tích cực chuẩn bị công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ tới; tiếp tục nghiên cứu, giải quyết các chế độ chính sách cho cán bộ; phối hợp chặt chẽ, nền nếp hơn với các cơ quan hữu quan; đổi mới tổ chức, kiện toàn, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ; mạnh dạn đổi mới cơ chế, cách thức, lề lối, phương pháp làm việc khoa học chặt chẽ, sâu sát thực tiễn, tham mưu đắc lực cho Trung ương và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, tạo chuyển biến cơ bản, vững chắc trong công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Mỗi cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, công tâm, khách quan, dũng cảm bảo vệ chân lý, lẽ phải dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, không bị cám dỗ vật chất, không bị chi phối về tình cảm cá nhân.
Tại buổi làm việc, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và các cán bộ chủ chốt của Ban đã báo cáo, trao đổi về tình hình, kết quả công tác năm 2011, một số nhiệm vụ công tác trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng. Từ Đại hội XI của Đảng đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã tập trung đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan, chủ động, tích cực, quyết liệt trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo những chuyển biến tích cực và khí thế mới trong công tác xây dựng Đảng./.
Nguyễn Thị Sự-Hương Thủy (TTXVN/Vietnam+)
22 thg 11, 2011 0
20 thg 11, 2011
Chiều 20/11, hàng ngàn người dân TP HCM đã có mặt tại buổi lễ thông xe hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á và toàn bộ Đại lộ Đông tây. Chủ tịch nước đến dự, hòa chung niềm vui trong sự kiện này.
Đến dự lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị – Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao khả năng tranh thủ thời cơ, huy động vốn, sáng tạo của TP HCM. “Đây là công trình trọng điểm mang tính đột phá, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của TP HCM”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM và 3 Huân chương lao động hạng Ba cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức thi công hoàn thành dự án.
Ông Trần Văn Mận, người dân có nhà trong khu vực bị giải tỏa để phục vụ cho dự án hầm Thủ Thiêm và Đại lộ Đông Tây cho biết, gia đình ông đã sinh sống 4 đời ở mảnh đất quận 2. Sau khi biết chủ trương xây dựng đại lộ hiện đại để phát triển kinh tế, ông và gia đình đã di dời đi nơi khác và có cuộc sống ổn định. Giờ chứng kiến ngày thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông Tây là niềm vui rất lớn của nhiều người như ông.
Cùng chung tâm trạng, ông Bùi Tống Hòa cũng là người dân ở quận 2 có nhà bị giải tỏa để phục vụ cho dự án thế kỷ này, hồ hởi: “Quá trình đền bù tất nhiên cũng có những thiệt thòi. Nhưng hôm nay chúng tôi chứng kiến cảnh thông xe, rồi ngày mai có thể chạy một mạch từ quận 2 qua quận 1 thì không hề tiếc gì cả”
Trong quá trình thực hiện, các hạng mục công trình của dự án đã sử dụng khoảng 61 ngàn tấn thép, 450 ngàn m3 bê tông, đào đắp 3 triệu m3 đất, xây dựng hơn 1 triệu m2 diện tích mặt đường. Hơn 1.500 cán bộ tham gia thực hiện dự án với tổng cộng 5,1 triệu ngày công, trên 400 chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham gia với hơn 7,4 nghìn ngày công để nghiên cứu, thiết kế và triển khai thực hiện dự án.
Toàn bộ tuyến Đại lộ Đông – Tây TP HCM sau khi được thông xe đưa vào khai thác, sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi lại của người dân thành phố, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đây còn là con đường ngắn nhất nối kết giữa thành phố hiện hữu với bán đảo Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía Đông của thành phố. Nhờ có dự án, đô thị thành phố được chỉnh trang, vệ sinh môi trường được cải thiện, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây của TP HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ.
Sau lễ thông xe, người dân sẽ được đi bộ tham quan qua hầm Thủ Thiêm đến 20h tối. Bắt đầu từ ngày 21/11 các phương tiện chính thức được chạy qua hầm.
20 thg 11, 2011 0
6g20 ngày 20-11, đoàn xe rời Hội trường thành phố (111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3) tiễn đưa nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang TP.HCM.
Dự Lễ truy điệu có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, Chủ tịch UBND TP,HCM Lê Hoàng Quân cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện các tỉnh, thành trong cả nước và tỉnh Long An – quê hương của đồng chí Võ Trần Chí. Dự lễ truy điệu còn có hàng ngàn người là các đồng chí cách mạng lão thành, các Mẹ Việt Nam anh hùng, những đồng đội và các tầng lớp nhân dân.
Trước đó, lúc 5g30 đã diễn ra lễ truy điệu trọng thể ông Võ Trần Chí. Trong bài điếu văn tại lễ truy điệu, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trưởng ban lễ tang Lê Hồng Anh đã ôn lại những đóng góp, công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng của ông Võ Trần Chí – một đảng viên trung kiên, một nhà lãnh đạo tài năng, người đứng đầu của Đảng bộ TP.HCM trong mười năm đầu đổi mới, người suốt đời vì dân vì Đảng, người anh, người đồng chí rất thân thương của bao thế hệ.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh xúc động: “Thưa đồng chí Võ Trần Chí – anh Hai Chí kính mến, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình với niềm thương tiếc vô hạn, vĩnh biệt anh trong giờ phút đau thương này. Trước hương hồn anh, chúng tôi thành tâm xin được chia sẻ nỗi đau, mất mát to lớn không gì bù đắp được của chị Hai và các cháu. Xin anh hãy yên lòng, thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu. Vĩnh biệt anh Hai Chí”.
7g20, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia quyến đã thắp nén hương cuối cùng trước khi an táng ông Võ Trần Chí.
Theo Tuoitre
(Theo website Lê Hồng Anh)
18 thg 11, 2011
Lễ viếng nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí diễn ra từ 8g sáng nay, 18-11, tại hội trường thành phố, 111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh xúc động ghi trong sổ tang: “Đồng chí mất đi là một tổn thất cho cách mạng, cho Đảng, Đảng bộ và nhân dân TP.HCM và quê hương Long An, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, đồng chí và đồng nghiệp”.
Đoàn Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã đến viếng, chia buồn và ghi những dòng xúc động vào sổ tang: “Đồng chí Võ Trần Chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi của đồng chí là tấm gương sáng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia quyến đồng chí Võ Trần Chí (anh Hai Chí kính mến)”.
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn Chính phủ, văn phòng Chính phủ kính viếng nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí. “Đồng chí Võ Trần Chí là người đảng viên xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM; đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc”, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tiếc thương ghi vào sổ tang.
Trong sáng 18-11, đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Đảm dẫn đầu; đoàn Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP.HCM do ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải dẫn dầu và đoàn Tỉnh ủy tỉnh Long An do Bí thư Tỉnh ủy Long An Mai Văn Chính dẫn đầu đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, ông Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban tổ chức lễ tang đã đọc điếu văn ôn lại chặng đường hoạt động cách mạng vẻ vang của ông Võ Trần Chí.
Trong ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã gửi vòng hoa đến viếng. Các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến viếng và gửi vòng hoa đến viếng, chia buốn cùng gia quyến nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí.
18 thg 11, 2011 0
8 thg 11, 2011
Trung đoàn tên lửa 213, sư đoàn 363 luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc Việt Nam.
Là một trong những đơn vị chủ lực của Quân chủng Phòng không – Không quân, trong những năm qua Trung đoàn 213, Sư đoàn 363 luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngoài công tác huấn luyện giỏi, đơn vị còn làm tốt công tác dân vận được chính quyền nhân dân địa phương tin yêu, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sỹ phòng không – không quân ưu tú”.
Dưới đây là một số hình ảnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại trung đoàn tên lửa 213:
8 thg 11, 2011 0
4 thg 11, 2011
Ngày 4/11, tỉnh Lạng Sơn đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 – 4/11/2011) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Tham dự buổi lễ có đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk…; đoàn đại biểu lãnh đạo Khu tự trị Dân tộc Choang – Quảng Tây (Trung Quốc); lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, với truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, yêu nước, sáng tạo trong lao động sản xuất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đoàn kết xây dựng từ một tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn, đến nay đã trở thành một tỉnh có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội; duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm giai đoạn 2005 – 2010 đạt 10,35%; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 16,1 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường; các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, môi trường có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị – xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững; thực hiện tốt công tác đối ngoại; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã vượt qua nhiều thách thức khó khăn, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đồng chí lưu ý, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Lạng Sơn vẫn còn là một tỉnh nghèo và có nhiều khó khăn nên Đảng bộ, Chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cần huy động tối đa các nguồn lực để khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, tạo bước phát triển vượt bậc về kinh tế cửa khẩu và dịch vụ, du lịch; chú trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong đó tập trung phát triển vùng cây nguyên liệu, cây đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao; khai thác và phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng. Tỉnh cần c hỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.
Cùng với việc khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, cần có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút những dự án lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch; làm tốt công tác quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý tài nguyên; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; đẩy mạnh tiến độ xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn để sớm trở thành một trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của khu vực miền núi phía bắc.
Lạng Sơn cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia; chăm lo giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; chủ động đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực; đào tạo đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở; quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực của các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; làm tốt hơn công tác xóa đói, giảm nghèo; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, đặc biệt quan tâm tới những người có công với cách mạng, đồng bào ở vùng cao, biên giới.
Thường xuyên coi trọng, làm tốt nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc; chủ động phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ truyền thống tốt đẹp với nhân dân Trung Quốc, trực tiếp là tỉnh Quảng Tây, góp phần xây dựng biên giới hai nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Đảng bộ Lạng Sơn cần tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Lạng Sơn cần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành công việc thường xuyên của chi bộ, cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phải thật sự là tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và ý thức tổ chức kỷ luật, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong các cấp ủy Đảng. Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tiêu cực, lãng phí; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
4 thg 11, 2011 0