16 thg 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mở đường cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng


Kế hoạch đề ra cần thiết thực
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả để khắc phục nhanh nhóm ngân hàng yếu kém, tạo thanh khoản tốt cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục lộ trình điều chỉnh giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn để tăng khả năng tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp, điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, không để xảy ra biến động lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát, nắm tình hình các doanh nghiệp, đề xuất biện pháp tháo gỡ thúc đẩy sản xuất; khẩn trương thông báo và phân bổ kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ, cấp trước một phần vốn theo kế hoạch để bảo đảm tiến độ và chất lượng các công trình, dự án quan trọng, cấp bách về giao thông, thủy lợi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mở đường cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng


Doanh nghiệp – Ngân hàng cần tìm được tiếng nói chung
Theo đánh giá của hầu hết chuyên gia kinh tế, năm 2012 vẫn là một năm đầy thách thức đối với Doanh nghiệp, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2011 vì sức mua giảm sút nghiêm trọng. Trong 3 tháng đầu năm cam kết FDI đạt 2,2 tỷ USD, bằng 44,4% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân FDI đạt 2,52 tỉ USD, bằng 0,8% so với cùng kỳ năm 2011. GDP tăng trưởng 4% – thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Sản lượng công nghiệp tăng 4% – mức tăng chậm chưa từng có. Doanh số bán lẻ tăng 5% trong khi tồn kho ở mức cao…
Phía Ngân hàng Thương mại, do khả năng tài chính hạn hẹp, họ thường ưu tiên vốn cho những khách hàng truyền thống. Nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong khi Doanh nghiệp cần nguồn vốn trung và dài hạn…
Rõ ràng, Doanh nghiệp và ngân hàng đều có những khó khăn riêng đòi hỏi cả hai phải vượt qua để tìm được tiếng nói chung. Doanh nghiệp phải vươn lên đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Ngân hàng cũng cần có đánh giá cụ thể, giúp Doanh nghiệp hoàn thiện những thủ tục, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của hai bên. Chỉ khi đó, Doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn ngân hàng và các ngân hàng mới khai thác được thế mạnh của Doanh nghiệp. Bộ Tài chính vừa thành lập tổ công tác đặc biệt điều tra những vướng mắc, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp.
Giảm khoảng cách giữa chính sách trên giấy với thực tế…
Theo TS. Lê Đăng Doanh, Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường toàn cầu hóa phải suy nghĩ toàn cầu nhưng hành động cần cụ thể, phải có chiến lược tiến, lùi. Trong thời buổi khó khăn hiện nay, Doanh nghiệp duy trì sự tồn tại của mình được đã là thành công để chuẩn bị cho bước phát triển mới khi kinh tế khởi sắc. Vì vậy, các kế hoạch đề ra cần thiết thực mới dễ tiếp cận vốn ngân hàng. Cần giảm khoảng cách giữa chính sách trên giấy với thực tế. Chính sách trên giấy thường rất đẹp nhưng trên thực tế để tiếp cận được chính sách, Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp Doanh nghiệp vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ cần nhanh chóng ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát. Nên sử dụng các rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ Doanh nghiệp trong nước, hạn chế mở siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các Doanh nghiệp. Ngoài việc sửa đổi luật thuế, đất đai, đầu tư, đấu thầu, cạnh tranh… tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho Doanh nghiệp, cần xem xét cơ cấu lại nợ, giãn nợ, ưu đãi tín dụng cho các Doanh nghiệp nếu họ chứng minh được các nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Nhà nước có thể xem xét, chọn lọc mua lại nợ xấu của một số Doanh nghiệp có tiềm năng, để Doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa. Khi kinh tế khởi sắc, Nhà nước có thể bán cổ phần, thu hồi lại vốn.
Bạch Dương

0 Responses to “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mở đường cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng”

Đăng nhận xét

Copyright @ 2012 Le Hong Anh All Rights Reserved